Bí quyết quản lý tài chính cá nhân từ A – Z

Tự do tài chính là mục tiêu của đại đa số chúng ta. Để được tư do, trước tiên phải quản lý được nó. Hôm nay, Nguyễn Tài Tuệ sẽ chia sẻ cho các bạn tất cả những bí quyết để quản lý tài chính cá nhân, giúp bạn có một cuộc sống thịnh vượng về tài chính.
Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân là tất cả những vấn đề liên quan đến tiền bạc mà một người phải đối mặt. Từ kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư cho đến thanh toán cho các khoản chi phí của mình.
Chính vì nó ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của chúng ta, việc quản lý tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng. Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ dẫn đến một cuộc sống dư dả, thoải mái. Cao hơn nữa là tự do tài chính.
3 Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân
Nguyên tắc số 1: Mọi thứ luôn bắt đầu từ tư duy. Muốn quản lý tài chính, cần phải làm chủ tư duy tài chính.
Nguyên tắc số 2: Có kế hoạch cụ thể. Không có kế hoạch là kế hoạch cho sự thất bại. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi qua 5 bước cơ bản để xây dựng một kế hoạch hiệu quả.
Nguyên tắc số 3: Quản lý bản thân. Mọi kế hoạch dù hay đến đâu cũng không thể thành công nếu thiếu sự cam kết và bám sát kế hoạch.
5 bước xây dựng tài chính cá nhân
1. Xác định các nguồn thu
Bước đầu tiên, cần xác định các khoản thu nhập. Theo mức độ biến động, có thể chia ra làm 2 loại:
Thu nhập cố định: Là các khoản thu cố định hàng tháng, ít chịu tác động của môi trường. Có thể kể đến như lương, lãi cho vay hàng tháng… Khoản thu này thường không quá lớn, tuy nhiên rất cần thiết cho một kế hoạch tài chính ổn định.
Thu nhập biến đổi: Là các khoản thu mang tính thời điểm, thời vụ mà đôi khi rất khó lường trước. Ví dụ như một khoản thưởng, lợi nhuận từ một khoản đầu tư, kinh doanh nào đó hoặc thậm chí là một khoản vay. Khoản thu này khó kiểm soát nhưng lại tạo ra sự đột phá cho kế hoạch tài chính.
Không có quy chuẩn cho tỷ lệ này, tùy thuộc vào khẩu vị và năng lực của mỗi người mà nên tự đặt cho mình một tỷ lệ phù hợp. Nếu muốn an toàn, hãy để tỷ lệ thu nhập cố định cao hơn. Nếu muốn đột phá và chấp nhận rủi ro, bạn có thể tập trung vào thu nhập biến đổi.
2. Thiết lập các khoản chi
Quy tắc 5 lọ được áp dụng cho việc hoạch định chi tiêu. Với nguồn thu nhập của mình, bạn có thể chia thành 5 phần bao gồm:
LỌ SỐ 1: CHI TIÊU CẦN THIẾT
Quỹ Chi tiêu cần thiết giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống. Quỹ này cũng sử dụng cho các mục đích ăn uống, sinh hoạt, chi trả hóa đơn, vui chơi, giải trí và mua sắm cần thiết.
LỌ SỐ 2: TIẾT KIỆM DÀI/ NGẮN HẠN
Bạn sử dụng khoản tiết kiệm này cho những mục tiêu dài hạn, lớn hạn như mua xe, mua nhà, sinh em bé, thực hiện ước mơ… Hoặc ngắn hạn như mua một món đồ giá trị nào đó. Điều quan trọng là bạn cần thực hiện tiết kiệm ngay khi nhận được thu nhập, qua đó sẽ tránh tiêu vào số tiền này. Bạn có thể giữ trong tài khoản hoặc mở một sổ tiết kiệm.
LỌ SỐ 3: QUỸ GIÁO DỤC
Bạn cần trích thu nhập cho việc học thêm, trau dồi kiển thức của bạn thân. Có thể là mua sách, tham gia các khóa học, đào tạo, các buổi gặp gỡ chia sẻ từ những người thành công. Đầu tư vào giáo dục cũng chính là đầu tư vào bản thân. Tác dụng của tài khoản này là giúp bạn không ngừng phát triển năng lực bản thân, từ đó có thể tạo ra nhiều thu nhập hơn.
LỌ SỐ 4: QUỸ TỰ DO TÀI CHÍNH
Tự do tài chính là khi bạn có một cuộc sống như mong muốn mà không cần làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Đây là khoản bạn sử dụng để tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập thụ động như gửi đầu tư, góp vốn kinh doanh. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để sử dụng khi không còn làm việc.
LỌ SỐ 5: QUỸ CHO ĐI
Chúng ta được sống, được làm việc, được làm giàu là nhờ sự nâng đỡ của những người xung quanh, của xã hội và cả thiên nhiên. Hãy dành một phần thu nhập để cho đi, như một sự báo đáp cho những thành công của mình.
Tùy vào mục tiêu tài chính và năng lực bản thân mà tỷ lệ cho mỗi lọ có thể khác nhau. Lọ nào cũng quan trọng, hãy cố gắng có đủ cả 5 lọ cho kế hoạch chi tiêu của mình
3. Xác định mục tiêu & cân đối tài chính
Sau khi đã có danh mục Thu – chi của mình, việc của bạn là xác định mục tiêu và cân đối lại các khoản mục. Có vài điểm cần lưu ý trong phần này:
– Đặt mục tiêu từ nhỏ đến lớn, quan trọng là mục tiêu SMART
– Hãy luôn chắc chắn thu nhập cao hơn chi tiêu.
– Luôn cân đối các khoản chi, không để lọ nào thấp hoặc cao quá, đặc biệt là lọ CHI TIÊU CẦN THIẾT.
– Hãy cẩn thận và luôn kiểm soát với các khoản vay. Đây là một đòn bẩy tài chính nhưng cũng có thể là gánh nặng bất cứ lúc nào.
4. Xây dựng kế hoạch tài chính cho 3, 6, 12 tháng hoặc hơn
Hãy thêm biến số thời gian vào các dòng thu – chi của mình. Đảm bảo dòng tiền không bao giờ bị âm. Có kế hoạch cho từng tháng một sẽ giúp bạn hình dung ra được lộ trình tài chính và kiểm soát dễ dàng hơn.
5. Ứng dụng công cụ quản lý tài chính cá nhân
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ quản lý tài chính cá nhân. Có thể là một ứng dụng, một trang tính excel hoặc một cuốn sổ tay tài chính. Công cụ nào cũng được nhưng hãy luôn ghi ra để nhìn thấy rõ tình hình tài chính của bane thân. Đừng chỉ nhớ ở trong đầu, những con số sẽ loạn lên lúc nào không hay.
Bình luận